Đây là nhận định của các chuyên gia khi chỉ ra những ảnh hưởng do sự khác nhau giữa cách tính khấu hao tài sản theo Luật Thuế và Luật Kế toán gây ra cho DN.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh chia sẻ câu chuyện rất thật của chính doanh nghiệp do ông làm Chủ tịch HĐQT.
Theo đó, Công ty CP Sản xuất xuất nhập khẩu NHP đã bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt hành chính với tổng mức phạt hơn 511 triệu đồng. Trong đó bao gồm hơn 351 triệu đồng tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp do sự “vênh nhau” giữa cách tính khấu hao tài sản theo Luật Thuế và Luật Kế toán.
Cụ thể, NHP mua nhà xưởng của một DN khác, sau quá trình lắp ráp thiết bị, máy móc đã đi vào sản xuất ngay từ tháng 6/2014. Tổng giá trị tài sản cố định này có giá 47 tỷ đồng, với mức khấu hao 10% 1 năm NHP sẽ được khấu hao 4,7 tỷ đồng.
Ngay từ năm đầu tiên tài sản đó đã tham gia vào quá trình sản xuất và tạo ra sản phẩm để xuất khẩu với giá trị đơn hàng khoảng 70-80 tỷ.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Nếu theo nguyên tắc kế toán và về mặt lý thuyết kinh tế mà nói, khi đưa vào sản xuất thì tài sản đó phải được tính khấu hao, đây cũng là quá trình khách quan để DN tái đầu tư tài sản cố định”.
Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra là từ khi mua, hoàn tất, và đưa tài sản vào sử dụng cho đến khi được sang tên chính chủ kéo dài hơn 1 năm, thậm chí là 2-3 năm.
Như vậy có một khoảng thời gian chênh lệch và sự mâu thuẫn trong quy định việc tính khấu hao theo Luật Kế toán và Luật Thuế.
“Khi Luật thuế quy định tài sản phải hoàn tất sang tên mới được trích khấu hao, nhưng quá trình sản xuất, xuất khẩu đã được thực hiện, có doanh thu rồi, nộp thuế VAT rồi mà không cho DN trích khấu hao thì tiền đâu ra để tái đầu tư?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Cụ thể với trường hợp của DN ông, theo Luật Kế toán, công ty NHP phải trích ngay khấu hao tài sản cố định từ tháng 6 năm 2014. Tuy nhiên đến hơn 1 năm sau công ty cũ mới hoàn tất việc sang tên cho NHP.
“Vừa rồi, cơ quan thuế vào kiểm tra theo định kỳ 3 năm/lần, họ kết luận trong 1 năm tài sản chưa sang tên không được trích khấu hao, mà phần đó phải được hạch toán vào lợi nhuận và lợi nhuận đó phải nộp thuế, cứ thế họ truy thu của công ty chúng tôi hơn 300 triệu”, ông chia sẻ.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết: Để tìm hiểu rõ hơn về “độ trễ” trong xử lý thủ tục sang tên tài sản, “chúng tôi đã hỏi cơ quan có thẩm quyền, câu trả lời nhận được cũng rất có lý: Khi DN đã hoàn tất thủ tục mua tài sản nhưng cơ quan này còn phải thực hiện nhiều thủ tục tiếp theo đó thì mới sang tên được, cụ thể là điều tra chủ cũ có đang nợ hải quan, thuế, ngân hàng… liên quan đến tài sản đem bán không”.
Quá trình xác minh này cần có thời gian và giả sử xác minh được có nợ, thì sau đó cũng phải đợi chủ tài sản cũ thực hiện trả nợ xong mới có thể hoàn tất thủ tục, quá trình này không thể nào nhanh được, nhất là đối với các DN khó khăn phải bán tài sản đi để trả nợ, độ trễ như vậy là hoàn toàn có thể hiểu được.
Ông Nghĩa cũng cho biết có trao đổi với Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính và được thừa nhận đây là một “lỗ hổng” pháp lý mà chính họ cũng đã nhận ra, sắp tới đây sẽ nghiên cứu và đề xuất sửa đổi để đúng theo tinh thần đồng hành cùng với DN, tôn trọng sự khách quan của quá trình sản xuất.
Liên quan đến vấn đề này, với tư cách là người đại diện cho cộng đồng DN có số lượng đông đảo nhất, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan điểm đồng tình.
Các cơ quan quản lý cần cẩn trọng xem xét liệu trong trường hợp này, hay rộng ra là các trường hợp tương tự khác, DN có dấu hiệu gian dối hay không? Tình huống đó có xâm hại đến nguyên tắc quản lý của Nhà nước không? Có ảnh hưởng đến ngành sản xuất, đến các chủ thể khác, đến xã hội không?
Nếu câu trả lời là “không” thì theo ông Tô Hoài Nam, đối chiếu với các quan điểm chung, thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, trong trường hợp khi DN đã thực hiện đúng một quy định pháp luật, mà dẫn tới xung đột với quy định khác thì phải nên hiểu và xử lý theo hướng có lợi cho DN.
“Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang làm mọi cách để khuyến khích DN tư nhân, tất cả những điểm bất cập trong chính sách cần phải được giải quyết một cách hợp lý để tạo nên một môi trường tốt để DN phát triển. Cố gắng làm sao để DN khi gặp tình huống xung đột giữa các pháp luật khác nhau không bị ‘sợ hãi’”, ông Nam bày tỏ quan điểm.
Theo chinhphu