Dự thảo luật mới: DN “vốn mỏng” phải nộp thuế nhiều hơn

(Chinhphu.vn) – Theo Bộ Tài chính, đây là quy định mới, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế, hiện đang lấy ý kiến. Được biết, dự thảo này sẽ sửa đổi, bổ sung cùng lúc 27 nội dung liên quan đến 7 luật thuế: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Quản lý thuế.

Phát biểu tại hội thảo sáng 1/9 về dự thảo do Bộ Tài chính phối hợp với VCCI tổ chức, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Phạm Đình Thi cho biết các sửa đổi này nhằm mục tiêu để các chính sách thuế minh bạch, rõ ràng hơn và ưu ái nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Hàng loạt điểm mới

So với các quy định hiện hành, dự thảo bổ sung quy định miễn thuế thu thập doanh nghiệp với 4 khoản thu nhập; miễn thuế thu nhập cá nhân với 6 khoản thu nhập, giảm thuế thu nhập cá nhân với 2 đối tượng…

Đồng thời, bổ sung quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các công ty con, theo đó, giá tính thuế là giá do các công ty con bán ra thị trường, trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất một quy định mới mà theo Bộ này là sẽ có “tác động rất lớn” đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp – đó là quy định về “vốn mỏng”.

Theo đó, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, sẽ khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Theo Bộ Tài chính, thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, có khoản vay vốn sản xuất kinh doanh vượt gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu đã dẫn tới nguy cơ mất an toàn tài chính của doanh nghiệp.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ do chi phí trả lãi tiền vay cho công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn, thậm chí có công ty đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm, không ngừng mở rộng sản xuất.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất khống chế chi phí trả lãi tiền vay tương ứng với khoản vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) với lĩnh vực sản xuất, tỷ lệ 4:1 với lĩnh vực còn lại. Từ năm 2019, tỷ lệ khống chế là 4:1 với lĩnh vực sản xuất và 3:1 với các lĩnh vực còn lại.

Theo Bộ Tài chính, đây là quy định mới, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và lộ trình nói trên sẽ góp phần hạn chế các tác động bất lợi.

Có thể ảnh hưởng DN làm ăn chân chính

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính, nhưng các ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia cũng chỉ ra hàng loạt điểm được cho là chưa ổn trong dự thảo.

Bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV một công ty tư vấn thuế, đồng ý với quy định khống chế về vốn mỏng, nhưng cho rằng không nên chia theo ngành nghề. “Hiện nay doanh nghiệp đa ngành nghề, có sản xuất, có dịch vụ, vậy ta lấy tiêu thức nào để phân loại. Hơn nữa, lộ trình như dự thảo là quá nhanh”, bà An – cũng là nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng vấn đề này đã có các quy định tại Luật Đầu tư để hạn chế. Do đó, cần cân nhắc tỷ lệ khống chế, thời điểm và lộ trình thực hiện.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng cân nhắc lại quy định này, nhất là với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chi phí lãi vay có thể lớn hoặc nhỏ tùy thuộc vào quy mô dự án, không nên vì có doanh nghiệp trả lãi vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà ra quy định làm khó doanh nghiệp.

Cũng theo bà Bình An, dự thảo đã siết chặt lại điều kiện hoàn thuế GTGT với một số trường hợp. “Có nhiều doanh nghiệp lợi dụng để chiếm dụng tiền hoàn thuế, nhưng cũng có nhiều người làm ăn chân chính khi xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở, nay dự thảo không cho hoàn thuế. Hiện nhiều nước đang rất khuyến khích xuất khẩu sang Việt Nam, ta lại không cho hoàn thì hàng Việt sẽ khó ra nước ngoài”, bà An phân tích.

 Cả bà Bình An và bà Nguyễn Thị Cúc đều không đồng tình với quy định mọi người nộp thuế đều phải khai, nộp thuế điện tử và sử dụng hóa đơn điện tử. Theo bà Cúc, đây là quy định “không tưởng”. “Vì còn có hàng trăm nghìn hộ kinh doanh phải nộp thuế, họ đâu có điều kiện. Chỉ nên áp dụng quy định bắt buộc với các pháp nhân, hoặc quy định khuyến khích chứ không bắt buộc”, bà Cúc lo ngại.

“Sao cứ bắt họ ngồi ở khu công nghệ cao?”

Về thuế thu nhập cá nhân, bà Bình An cho rằng thủ tục để các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam nộp thuế là quá phức tạp. Họ chỉ vào làm việc có 2 ngày, nhưng cũng phải đi xin mã số thuế mới được nộp, cần phải sửa đổi để tạo thuận lợi nhất cho họ.

Hoan nghênh quy định giảm 50% thuế thu nhập với nhân lực công nghệ cao, song bà Nguyễn Thị Cúc lại cho rằng không nên chỉ giảm cho những người làm việc tại các khu công nghệ cao như dự thảo.

“Nguyễn Hà Đông làm game Flappy Bird rất thành công, nhưng cậu ấy đâu có ngồi ở khu công nghệ cao nào. Những người làm trong lĩnh vực này chỉ cần một chiếc máy tính là họ có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Sao bắt họ cứ phải ngồi ở khu công nghệ cao mới được ưu đãi thuế?”, bà Cúc đặt vấn đề.

Trong khi đó, cả Hiệp hội Thuốc lá và Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát đều không đồng tình với quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt khi bán hàng qua công ty con. Lý do được các Hiệp hội này đưa ra là quy định như vậy sẽ làm phát sinh hai cơ sở tính thuế, tạo phân biệt đối xử, bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Cần dài hơi và ổn định hơn

Ông Phạm Đình Thi chia sẻ, nếu được đồng ý, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Luật ngay tại kỳ họp tháng 10 tới đây. Như vậy, Bộ chỉ còn đúng một tháng để vừa xin ý kiến người dân, doanh nghiệp, các bộ ngành, địa phương, vừa hoàn chỉnh và trình Chính phủ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, việc một luật sửa cùng lúc 7 luật là một bước tiến mới của ngành Tài chính, sau khi đã trình Quốc hội sửa cùng lúc 5 luật về thuế năm ngoái. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề về tính ổn định của các luật thuế và nếu không cân nhắc kỹ trong quá trình sửa đổi, có thể dẫn tới nguy cơ xung đột pháp luật. 

Cùng lo ngại này, bà Cúc cho biết hiện doanh nghiệp rất khó khăn khi hệ thống hóa lại các quy định về thuế khi có quá nhiều thay đổi. Cho hay vừa phải mất hơn 2 tháng mới có thể tổng hợp lại tất cả các quy định về thuế thu nhập cá nhân, vị chuyên gia đề nghị ngành Thuế cần có cái nhìn dài hơi hơn, tổng thể hơn. 

                                                         Nguồn ‘Cổng Thông tin điện tử Chính phủ”