Khóc với luật một đằng, hướng dẫn một nẻo

(TBKTSG) – Người dân, doanh nghiệp thường xuyên rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở” với các quy định quản lý khi thông tư, công văn hướng dẫn cho luật, nghị định rất xa tinh thần của luật.

Lấy ví dụ Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế được Quốc hội thông qua cuối tháng 11-2014. Khoản 4, điều 2 của luật này quy định về thuế đối với cá nhân kinh doanh. Trong đó, cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ thuế suất thì dao động từ 0,5-5% tùy vào lĩnh vực, ngành nghề. Doanh thu để tính nộp thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động trên. Và nếu cá nhân không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật.

Câu chữ của luật là vậy nhưng đầu tháng 12-2014, Bộ Tài chính có công văn gửi các cơ quan thuế về việc triển khai thực hiện một số nội dung của luật, trong đó nói rằng “các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán ổn định trong một năm”.

Trên trang web của Tổng cục Thuế, tin tức về quy định tính thuế thu nhập cá nhân cũng diễn giải: “Thay vì phải kê khai nộp thuế theo quy trình khá phức tạp trước đây thì từ ngày 1-1-2015 các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ chỉ thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu hay còn gọi là nộp thuế khoán”!

Và chuyện này đã dẫn dắt đến chuyện khác. Các hộ, cá nhân kinh doanh ngay lập tức nhận được thông báo từ cơ quan thuế địa phương rằng, từ ngày 1-1-2015, do đã nộp thuế theo phương pháp khoán, không còn hình thức kê khai nữa, nên không còn được mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Nếu muốn mua hóa đơn thì hộ, cá nhân kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Các cá nhân kêu rầm trời, cán bộ thuế cũng nói rằng chuyển đổi như vậy là quá gấp gáp, không thể thực hiện. Cuối cùng, Bộ Tài chính phải có văn bản hỏa tốc thông báo rằng các cá nhân, hộ kinh doanh tiếp tục được mua hóa đơn.

Luật ghi rằng, Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được luật giao. Tuy nhiên, trên thực tế, các nghị định đều do các bộ soạn thảo để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Nói như một chuyên gia ngành thuế là có bộ đã giành hết quyền soạn thảo nghị định để được diễn giải luật và được quản lý theo ý mình! Chuyện nghị định, thông tư hướng dẫn vênh luật, không đúng tinh thần luật là vì vậy.

Tuy nhiên, không phải đến khi xảy ra sự cố với Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, chuyện luật và nghị định, thông tư vênh nhau mới xảy ra. Thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp mới thành lập cũng khóc ròng với Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP. Thông tư này quy định doanh nghiệp mới thành lập phải đầu tư mua sắm tài sản cố định có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên mới được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ, nếu không phải áp dụng cách tính trực tiếp, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Doanh nghiệp kêu trời vì trong Luật Thuế giá trị gia tăng hoàn toàn không nói gì đến việc này và vì đòi hỏi này quá khó với người mới khởi nghiệp. Cuối cùng, Bộ Tài chính đã có văn bản gỡ rối, gia hạn việc thực hiện.

Hay ở lĩnh vực xăng dầu, người tiêu dùng cũng đang bó tay với những diễn giải của thông tư hướng dẫn. Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, việc giảm giá xăng dầu được thực hiện như sau: thời gian giữa hai lần giảm giá tối đa là 15 ngày; khi các yếu tố cấu thành biến động theo chiều hướng giảm, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng…, không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai lần và số lần giảm giá. Vậy nhưng, thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC lại “quy định chi tiết” rằng, tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu thực hiện công bố giá cơ sở bình quân 15 ngày/lần, thời điểm giảm giá phải thực hiện đúng theo thời điểm công bố của tổ điều hành. Cuối cùng, các doanh nghiệp xăng dầu lẫn cơ quan điều hành cứ vin vào điều này để 15 ngày mới thực hiện giảm giá xăng một lần trong khi giá thế giới liên tục giảm.

Số văn bản quy phạm pháp luật có sai sót đang ngày trở nên phổ biến, gây hậu quả lên người dân, doanh nghiệp. Lý do thực sự, chưa bao giờ được thừa nhận, đó chính là trình độ, kinh nghiệm thực tế của những người soạn các văn bản này.

Vì vậy, nói như nhiều doanh nghiệp, người dân đang khóc ròng vì các quy định “trên trời”.

                                                                                                         Theo TBKTSG