Luật Quản lý thuế 2019 bổ sung và quy định cụ thể một số nguyên tắc áp dụng trong quản lý thuế như:
– Nguyên tắc giao dịch độc lập:
Khoản 24, Điều 3 Luật số 38/2019/QH14 quy định: “Nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch độc lập.”
Nguyên tắc giao dịch độc lập (nguyên tắc giá thị trường) được thể hiện cụ thể tại các Điều của Luật Quản lý thuế về khai thuế, ấn định thuế, thanh tra thuế …
– Nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế (nguyên tắc bản chất quyết định hình thức):
Khoản 25, Điều 3 Luật số 38/2019/QH14 quy định: “Nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế nhằm phân tích các giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.”
Nguyên tắc bản chất quyết định hình thức đã được quy định tại Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 24/02/2017 quy định về quản lý đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Khoản 8, Điều 4 NĐ 20/2017/NĐ-CP như sau:
“Nguyên tắc Bản chất quyết định hình thức là nguyên tắc nhằm phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế để xác định bản chất của giao dịch liên kết làm cơ sở đối chiếu với các giao dịch độc lập tương đương, đảm bảo các giao dịch liên kết thể hiện đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính được tiến hành giữa các bên không có quan hệ liên kết, không để các quan hệ liên kết này chi phối làm sai lệch nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước của người nộp thuế. Nguyên tắc này căn cứ dữ liệu, thực tế thực hiện giao dịch giữa các bên liên kết để so sánh với giao dịch độc lập trong điều kiện tương đồng, không phụ thuộc hình thức của giao dịch được thể hiện trong hợp đồng, văn bản giữa các bên có quan hệ liên kết. Việc xác định bản chất quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại của giao dịch liên kết được thực hiện dựa trên so sánh, đối chiếu với các giao dịch độc lập có điều kiện tương đồng.”
– Nguyên tắc quản lý theo rủi ro:
Khoản 15, Điều 3 Luật QLT số 38 quy định: “Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.”
Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế gồm nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Luật QLT mới có một điều cụ thể về quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Điều 9). Tuy nhiên, nguyên tắc quản lý rủi ro được áp dụng thống nhất trong tất cả các khâu của quản lý thuế, bao gồm: (i) Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; (ii) Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế; (iii) Không thu thuế; Khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; Xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ; (iv) Quản lý thông tin về người nộp thuế; (v) Quản lý hoá đơn, chứng từ; (vi) Kiểm tra thuế, thanh tra thuế, biện pháp phòng chống ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế; (vii) Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; (viii) Xử lý vi phạm pháp luật về thuế; (ix) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; (x) Hợp tác quốc tế về quản lý thuế.
Nguồn: VTCA Bản tin thuế tuần