Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2015

Tóm tắt một số điểm mới đáng lưu ý trong chính sách thuế tháng 12/2015 như sau:

I. Về Thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngày 28/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, thay thế các Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009 và số 113/2011/NĐ-CP ngày 08/12/2011 của Chính phủ; Theo đó, một số nội dung mới như sau:

1. Về đối tượng chịu thuế TTĐB:

Quy định rõ đối tượng chịu thuế TTĐB đối với tàu bay, du thuyền là loại sử dụng cho mục đích dân dụng; Đối với hàng mã không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học; Đối với kinh doanh đặt cược bao gồm: Đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật.

Đối tượng chịu thuế TTĐB đối với hàng hóa là các sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh, không bao gồm bộ linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này.

2.Về đối tượng không chịu thuế TTĐB:

Bổ sung đối tượng không chịu thuế TTĐB đối với tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra bổ sung quy định đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ hai loại hàng hóa sau: Hàng hóa đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.

3. Về giá tính thuế TTĐB:

Bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB đối với trường hợp cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu (nếu có) cộng (+) thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu. Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Quy định rõ giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả khoản thu thêm tính ngoài giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ (nếu có) mà cơ sở sản xuất, kinh doanh được hưởng. Riêng đối với mặt hàng thuốc lá giá tính thuế TTĐB bao gồm cả khoản đóng góp bắt buộc và kinh phí hỗ trợ quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

4. Về khấu trừ thuế TTĐB

Hướng dẫn cụ thể việc khấu trừ thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước đối với một số trường hợp cụ thể:

Người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bằng các nguyên liệu chịu thuế TTĐB được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế TTĐB phải nộp. Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của nguyên liệu đã sử dụng để sản xuất hàng hóa bán ra.

II. Về thuế giá trị gia tăng

1. Ngày 24/11/2015 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 193/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2016.

Theo đó, bổ sung điểm h Khoản 7 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau: Tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao từ cơ quan nhà nước do thực hiện hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

2. Công văn 18832/BTC-TCT ngày 17/12/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi Công văn 10492/BTC-TCT và Công văn 13822/BTC-TCT về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng.Theo đó, ưu tiên chi hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có doanh số năm trước liền kề hoặc năm hiện tại chiếm tỷ trọng từ 51% trở lên trong tổng doanh thu bán hàng hóa dịch vụ trên tờ khai thuế GTGT.

Đồng thời, quy định thủ tục kê khai, hoàn thuế GTGT như sau:

– Đối với Trụ sở chính:

Lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế kèm theo Bảng kê số thuế GTGT còn phải nộp, còn nợ của Trụ sở chính và chi nhánh để thực hiện bù trừ đối với số thuế GTGT đủ điều kiện hoàn thuế.

– Đối với chi nhánh:

+ Đảm bảo tuân thủ pháp luật về kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

+ Phải được doanh nghiệp trụ sở chính ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

+ Phải gửi kèm Bảng kê số thuế còn phải nộp, còn nợ của Trụ sở chính, các chi nhánh và đề nghị bù trừ giữa các đơn vị với số thuế GTGT đề nghị hoàn.

3. Hướng dẫn mới về phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng

Tổng cục Thuế vừa ban hành Công văn 5460/TCT-KK hướng dẫn tiếp nhận mẫu 06/GTGT đối với doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) mới thành lập trong năm. Theo đó:

– Đối với DN, HTX mới thành lập vào quý 4 hàng năm (từ 01/10 đến 31/12): Việc xác định phương pháp tính thuế GTGT và thời gian ổn định phương pháp tính thuế GTGT được thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 1097/TCT-KK ngày 30/3/2015 của Tổng cục Thuế.

– Đối với DN, HTX mới thành lập từ 01/01 đến 30/9 hàng năm:

+ Về nguyên tắc xác định doanh thu khi hết năm dương lịch đầu tiên của DN, HTX hoạt động sản xuất kinh doanh không đủ 12 tháng thì xác định doanh thu ước tính của năm như sau:

Tổng cộng của chỉ tiêu “Tổng doanh thu của hàng hóa dịch vụ bán ra chịu thuế GTGT” trên Tờ khai thuế GTGT của kỳ tính thuế các tháng hoặc quý hoạt động sản xuất kinh doanh chia  số tháng hoạt động sản xuất kinh doanh và nhân với 12 tháng.

Việc xác định doanh thu theo nguyên tắc này không phân biệt DN, HTX thực hiện khai theo tháng hoặc quý.

4. Gia hạn thời hạn tiếp nhận mẫu 06/GTGT

Ngày 25/12/2015, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 5593/TCT-KK về thời hạn tiếp nhận mẫu 06/GTGT (mẫu Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng).

Trước tình hình các cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng thuộc đối tượng phải gửi mẫu 06/GTGT nhưng đến ngày 20/12/2015 chưa kịp gửi mẫu này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và phương pháp tính thuế đang áp dụng của cơ sở kinh doanh, Tổng cục Thuế cho phép các cơ sở kinh doanh gửi mẫu 06/GTGT sau ngày 20/12/2015 nhưng phải trước ngày 30/01/2016.

5. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc về chính sách thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi khi thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính. Để giải quyết những vướng mắc này của doanh nghiệp, ngày 04/11/2015, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 4583/TCT-CS  hướng dẫn về thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi.

Theo nội dung hướng dẫn tại công văn, Cục thuế lưu ý một số điểm như sau:

(i) Các sản phẩm sau đây thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT:

Sản phẩm trồng trọt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, bán ra theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015; sản phẩm đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến như bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, cám (đã qua chế biến) làm thức ăn chăn nuôi; các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi (như premix, hoạt chất và chất mang) thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ định nghĩa về thức ăn chăn nuôi và Khoản 2, Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 50/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam.

(ii) Trường hợp những sản phẩm được dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi (ngoài các sản phẩm nêu tại mục (1) và chưa được quy định cụ thể tại Danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam thì các đơn vị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông để được hướng dẫn.

III. Về thuế thu nhập doanh nghiệp

1. Ngày 23/11/2015 Bộ Tài chính ban hành Quyết định sô 2465/QĐ-BTC về việc đính chính Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

Theo đó, Quyết định đã đính chính một số nội dung quy định tại tiết đ Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.

2. Ngày 23/11/2015, Tổng cục Thuế ban hành công văn số 4951/TCT-CS hướng dẫn về ưu đãi thuế TNDN.

Theo đó, thu nhập doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính được áp dụng thuế suất thuế TNDN 15% trong suốt thời gian hoạt động kể từ kỳ tính thuế TNDN năm 2015.

Các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 bao gồm điều kiện về tỷ lệ giá trị nguyên vật liệu là nông sản, thủy sản trên chi phí sản xuất hàng hóa, sản phẩm (hoặc giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm) và điều kiện về sản phẩm hàng hóa từ chế biến nông sản, thủy sản.

IV. Về Luật quản lý thuế

Ngày 23/11/2015 Tổng cục thuế có công văn số 4943/TCT-KK hướng dẫn một số vướng mắc về khai thuế và khai bổ sung hồ sơ khai thuế.

Nội dung tại công văn hướng dẫn chi tiết một số vấn đề sau: xác định hồ sơ khai thuế; mẫu biểu hồ sơ khai bổ sung; kê khai hoá đơn trên hồ sơ khai thuế: công văn phân biệt và hướng dẫn các trường hợp kê khai hoá đơn bỏ sót và kê khai hoá đơn điều chỉnh; về khai bổ sung dẫn đến tăng/giảm số thuế khấu trừ; về khai thuế GTGT đối với dự án đầu tư; một số tình huống khai vào chỉ tiêu ”Điều chỉnh tăng/giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai GTGT và hướng dẫn một số tình huống khác.

V. Vấn đề khác có liên quan

1. Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ v/v sửa đổi, bổ sung Quyết định 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ v/v hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số.

2. Ngày 09/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2015).

Lưu ý một số nội dung sau:

– Khu chế xuất, DNCX được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan trừ ưu đãi riêng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu.

– DNCX, người bán hàng cho DNCX được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với VLXD, VPP, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa.

– DNCX được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hoá theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý không áp dụng chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

– Cán bộ, công nhân viên làm việc trong KCX, DNCX khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào KCX, DNCX và ngược lại không phải khai báo hải quan.

– DNCX được cấp GPKD hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá tại Việt Nam hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài DNCX, KCX để thực hiện hoạt động này.

3. Nghị định 118/2015/NĐ-CP  ngày 12/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 27/12/2015.

(i) Thủ tục xác định ưu đãi đầu tư

Theo Luật đầu tư 2014, đối với dự án phải thực hiện thủ tục xin Giấy Chứng nhận đầu tư, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định và ghi ưu đãi vào Giấy Chứng nhận đầu tư.

Dự án phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư gồm có:

1. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

2. Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ sau:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.

Ngược lại, đối với dự án mà nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư sẽ tự xác định ưu đãi và thực hiện thủ tục ưu đãi đầu tư với cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan.

Dự án không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận đầu tư gồm có:

1. Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;

2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế;

3. Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhưng không thuộc các trường hợp sau:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.

(ii) Đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư

Theo Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP, bên cạnh những dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, những dự án sau cũng được nhận ưu đãi đầu tư nếu:

– Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án loại này sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

– Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng). Dự án loại này được hưởng ưu đãi đầu tư như quy định đối với dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn;

– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và pháp luật về khoa học công nghệ.

(iii) Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư

Nghị định 118/2015/NĐ-CP có những thay đổi trong danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư như sau:

Danh mục Ngành nghề đặc biệt ưu đãi: Mở rộng các sản phẩm công nghệ cao và công nghệ cao được hưởng ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 66/2014/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/01/2015); bổ sung vào danh mục các ngành nghề mới như: sản xuất năng lượng từ xử lý chất thải; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư;sản xuất methadone.

Danh mục ngành nghề khác thuộc lĩnh vực ưu đãi chỉ còn ngành nghề hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.

Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư có xu hướng mở rộng, điển hình một số tỉnh ở phía Bắc bổ sung thêm các thành phố, ví dụ: thành phố Bắc Cạn, thành phố Cao Bằng, thành phố Sơn La là những địa bàn ưu đãi đầu tư. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, Tp.Buôn Ma Thuộc (Đắk Lắk), Tp.Pleiku (Gia Lai) và Tp.Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng được xếp vào diện địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

4. Hướng dẫn mới về đóng bảo hiểm thất nghiệp. Từ ngày 01/02/2016, Thông tư 139/2015/TT-BQP hướng dẫn Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp trong Bộ Quốc phòng bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

+ Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng.

+ Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

+ Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.