Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tính toán cho rằng việc tham gia BHXH để hưởng lương hưu mang lại quyền lợi khi về hưu thấp hơn quyền lợi khi họ gửi tiết kiệm hoặc tham gia BH nhân thọ trong 20 năm là hoàn toàn sai lầm bởi lẽ giữa BHXH và gửi tiết kiệm hay mua BH nhân thọ có sự khác biệt rất lớn:
– Sự khác biệt lớn nhất là ở mục đích: BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận và quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ nghĩa là không bị phá sản, còn các ngân hàng hoạt động nhằm mục đích sinh lời, là nghề kinh doanh có lời nhất và cũng có thể bị phá sản, trong trường hợp phá sản tiền gửi tiết kiệm có thể bị mất trắng.
– Khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi, sau thời gian khoảng 2 đến 3 chục năm thì giá trị của khoản tiền gốc còn lại rất ít. Đây là điều ngược lại với BHXH khi tiền đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm theo quy định của Chính phủ và trở thành căn cứ để tính lương hưu. Trong thời gian tham gia BHXH khi chết thì thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng chế độ tử tuất.
– Khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. Trong thực tế, gần như hàng năm Nhà nước đều điều chỉnh tăng lương hưu. Chỉ tính riêng cho giai đoạn từ năm 2003 đến nay, Chính phủ nhiều lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần (tùy theo nhóm đối tượng) so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002. Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu người lao động được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh bình đẳng với mọi người khác mà không phụ thuộc vào mức phí tham gia, loại bệnh… Khi người hưởng qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm chết, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp hàng tháng hoặc một lần). Đây là ưu điểm vượt trội của BHXH. Đối với gửi tiết kiệm thì số tiền lãi là mức xác định và giá trị của khoản tiền lãi sẽ ngày càng thấp do tác động của yếu tố trượt giá (lạm phát).
Theo BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM