Vì sao dịch vụ đại lý thuế chưa thể “cất cánh”?

 Đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý thuế được Chính phủ xác định là một trong các giải pháp chính nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để đại lý thuế thực sự trở thành cầu nối giữa người nộp thuế và cơ quan Thuế. 

Xã hội hóa dịch vụ công

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, Nhà nước cần xã hội hoá mạnh các dịch vụ công, chuyển giao dịch vụ công mà xã hội và thị trường có thể làm được.

“Như vậy, chúng ta vừa tinh giản được bộ máy nhà nước, vừa có điều kiện nâng cao đời sống cho bộ máy cán bộ, vì khi họ làm việc với trách nhiệm cao hơn thì phải có mức thù lao tương xứng”- ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc dẫn chứng, như đẩy mạnh phát triển hệ thống đại lý thuế – đây được xem là một trong các giải pháp chính nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ đối tượng nộp thuế, đảm bảo thi hành pháp luật được chính xác, thuận tiện, hạn chế vi phạm, giảm thiểu thủ tục hành chính thuế, tiết kiệm chi phí xã hội và chi phí cho người nộp thuế.

Tại Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 đã đề cập cụ thể đến yêu cầu phát triển hệ thống đại lý thuế. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 420/QĐ-BTC ngày 03-3-2014 về Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020. Trong đó, đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2015, có ít nhất 2.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế; tối thiểu 80% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp.

Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu có ít nhất 6.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế; tối thiểu 90% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, tính đến hết năm 2014, cả nước đã có 201 đại lý thuế được thành lập, với 497 nhân viên hành nghề và khoảng 2.150 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Cần cơ chế khuyến khích

Đi tìm lời giải vì sao đại lý thuế chưa phát triển như mong đợi, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Thái Dũng Tiến đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân là do cơ sở pháp lý cho hoạt động đại lý thuế còn chậm ban hành, chưa rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của đại lý thuế. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi dùng dịch vụ của đại lý thuế, bởi vì họ chưa hiểu họ được lợi gì từ dịch vụ này.

Mặt khác, khá nhiều doanh nghiệp còn xem nhẹ vai trò của đại lý thuế cũng như tư vấn thuế, do ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, tự ý vi phạm pháp luật để trốn thuế, tránh thuế nên không cần tư vấn thuế…

Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Cúc, tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoạt động của đại lý thuế được ban hành bằng Luật, hệ thống đại lý thuế rất phát triển đã hỗ trợ hiệu quả người nộp thuế và cơ quan Thuế, ngăn ngừa vi phạm của người nộp thuế.

Hiện, cơ quan Thuế đã và đang đẩy nhanh thời hạn cấp giấy xác nhận hành nghề đại lý thuế; Tổ chức tuyên truyền tiện ích của đại lý thuế tới người nộp thuế.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, để dịch vụ đại lý thuế hấp dẫn doanh nghiệp; đồng thời giảm áp lực lên cơ quan Thuế trong việc phải đón tiếp, trả lời các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế như hiện nay thì cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các tổ chức hành nghề đại lý thuế.

Cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo cơ chế khuyến khích với người nộp thuế sử dụng dịch vụ từ phía đại lý như: Ưu ái quyết toán thuế riêng, ưu tiên trong công tác hoàn thuế, xác minh thông tin khi thanh kiểm tra… Đồng thời, tiến tới mở rộng hoạt động dịch vụ của các đại lý thuế như: rà soát sổ sách, tư vấn thuế, đại diện cho người nộp thuế để giải trình với các cơ quan chức năng.

                                                                                                       Theo HQonline